Lễ cầu mát tháng tư Còn gọi là lễ kỳ an, lễ vào hè diễn ra vào hai ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 4. Mã cho lễ kỳ an đặt tại ban thờ hai bên giải vũ đình, gồm có: Thuyền rồng dài 5 thước, bề ngang 1,5 thước có lái đò, 1 voi, 1 ngựa to như thật, 18 hình nhân (9 nam, 9 nữ), 1 ông Hà Bá, 4 ông Chúa Ôn. Sáng mùng 9 tháng 4 các quan viên rước văn; Xong các giáp rước lợn sống ra đình để thi.
Để có những con lợn to, đẹp mã dự thi, ngay từ 12 tháng trước đó, người đăng cai ở 26 giáp (riêng hai giáp theo đạo Thiên Chúa không tham dự) đã nuôi lợn thi rất công phu. Lợn nuôi tế thần không được gọi bằng cái tên thông thường mà phải gọi là ông Ỷ.
Hằng ngày, đến bữa, chủ nhà bưng cơm cung kính “Mời ông Ỷ dậy ăn cơm”. Ngoài ra, ông còn được bồi dưỡng xôi, cơm nắm, chuối tiêu. Vào mùa hè có muỗi thì phải mắc màn, khi nóng bức thì người trong nhà, phải thay nhau quạt. Gần đến ngày dự thi, ông Ỷ béo tròn, mắt híp lại. Lợn dự thi dứt khoát phải là lợn đen, đẹp mã, to và nặng cân. Trước ngày thi, Ban Giám khảo đến từng nhà xem xét, những ông Ỷ đủ tiêu chuẩn được làng cử phường bát âm đến rước ra đình.
Những ông Ỷ to béo, người ta phải đào một cái hố đặt vừa cái cũi đóng bằng tre, đặt ngang chỗ ông nằm rồi nhẹ nhàng lùa ông sang, để các trai đình khiêng ra đình. Nhà cụ Chí Tôn đăng cai cho con trai, nuôi được ông Ỷ to nhất xã, nặng khoảng 2 tạ đáng lẽ được giải nhất, nhưng hôm trước, do dực mỡ, ông lăn đùng ra chết. Cả nhà cụ hoảng hốt, thương tiếc lăn ra khóc. Sau đó, cụ phải lên Giang Cao mua con lợn khác thế vào.
Trong 26 lợn, chọn 8 con đẹp nhất trao giải từ giải nhất đến giải tám. Giải là 1 bao thuốc lá, 5 đồng, 10 quả cau, và 1 vuông vải đỏ. Sáng mùng 10, tất cả 26 lợn đều đem làm thịt. Lợn đặt trên chõng đóng bằng tre. Thủ lợn lấy mỡ mạng trang trí cho đẹp mắt. Tám con lợn to, trình bày đẹp thì đoạt giải. Bốn con thờ ở đình, 4 con tiếp theo thờ ở hai bên giải vũ, số còn lại đem lễ ở chùa Lựa, chùa Tân, chùa Âm Hồn, Cầu Vật, và ở Đỗi Bệ thờ thần Thổ kỳ.
Riêng con nhỏ nhất chỉ được làm cỗ cúng chúng sinh. Sau một tuần tế ở đình, các giáp mới đem về pha thịt chia đều cho các xuất đinh. Những người phục dịch chỉ được ăn lòng và nước xuýt gọi là cỗ ghém. Đầu tháng 4 đã vào hè, trời nắng nóng nên thường xảy ra dịch bệnh. Tục ta tin rằng vào mùa hè có quan ôn dịch đi gây bệnh làm hại dân nên phải tìm cách trừ khử đi.
Vào chiều mùng 9, các thầy cúng phát tấu xong, các thầy mới đi ký điếm. Trước đó, tại mỗi xóm làm một cái điểm bằng cây chuối ở giữa xóm, hoặc bên đường đi. Cây chuối làm cột, bẹ chuối làm mái và cả ban thờ cũng bằng cây chuối. Trên ban thờ, một bên đặt cơi giầu, một bên đặt bát nước. Và ở cửa điếm người ta úp một cái bát. Chiều mùng 10, lễ tiễn ôn ở đình xong, mỗi điếm hai ông thầy đến cúng phá điếm. Thầy mặc áo lương khăn xếp, thắt lưng nhiễu điều bỏ múi cạnh sườn. Miệng thầy đọc các câu trong một một bài cúng riêng, người chuyển động theo các điệu múa, tay bắt quyết ma tà vào một cái bát. Buổi lễ tiễn ôn diễn ra hết sức huyền bí và thiêng liêng. Đông đảo người trong xóm đến dự lễ và kính cẩn cầu khấn.
Comments