I. Một vài nét về xã Kim Lan
Kim Lan là tên một xã thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Từ nội thành Hà Nội đến Kim Lan có thể đi đường bộ, đường sông và bằng thuyền qua bến đò Thúy Lĩnh. Trong quá trình tồn tại với bao biến động về địa hình do thay đổi dòng chảy của sông Hồng, Kim Lan vẫn là xã nằm trên dải đất bồi tả ngạn sông Hồng, liền kề với trung tâm sản xuất gốm Bát Tràng nổi tiếng trong lịch sử.
Theo truyền thuyết, Kim Lan là vùng đất có lịch sử lâu đời gắn với nhiều sự kiện và nhân vật suốt từ thời Hùng Vương dựng nước. Tại đây còn lưu giữ thần phả do Nguyễn Bính soạn, cho biết vùng đất này đã từng được Cao Biền lập thành trại "khuyến dạy nghề tang nông, hưng sự tiện, trừ sự hại, hun đúc phong tục". Về sau Cao Biền đã được dân làng Kim Lan lập làm thành hoàng, di tích còn được lưu ở miếu Cả.
Kim Lan còn được dân gian trong vùng gọi là Kê Sươn (lợn ế, cá ươn, bao nhiêu về chợ Sươn cũng hết). Hiện ' chưa có sự giải thích về ý nghĩa tên gọi này. Gần đây chúng tôi lại được cung cấp thông tin về tên gọi Bạch thổ nay phường để chỉ về cùng đất này với ý nghĩa đây là vùng có nhiều đất sét trắng để làm gốm sứ. Trong những năm gần đây, xã Kim Lan bắt đầu sản xuất gốm sứ, còn trước đó đời sống kinh tế chủ yếu vẫn là trồng dâu nuôi tằm với sự chi phối mức độ của nông nghiệp.
Theo dòng lạc khoản trên chuông chùa Kim Lan, vào khoảng đầu thế kỷ XVIII Kim Lan đã là một xã, sang đầu thế kỷ XIX Kim Lan đổi thành Kim Quan thuộc tổng Đông Dư huyện Gia Lâm phủ Thuận An trấn Kinh Bắc' sang giữa thế kỷ XIX lại được đổi thành Kim Lan. Trong thời gian từ đầu thế kỷ XX đến những năm gần đây Kim Lan có nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, khi thì thuộc về Bắc Ninh, lúc thuộc về thành phố Hà Nội.
Hiện nay, Kim Lan là một đơn vị cấp xã, gồm 16 xóm: Và, Dụ, Đình, Chùa, Triều, Mả Cuối, Chợ, Bến, Đìa, Bê, Cái Ngang, Hậu, Gò Đình, Bông, Đầu Cổng. Hiện nay xóm Và và Dụ đã không còn do sự biến đổi dòng chảy của sông Hồng.
Lịch sử hình thành và phát triển đã cho thấy vùng đất Kim Lan vốn là nơi có dân cư đông đúc, đồng thời cũng chịu nhiều biến động về địa hình do ảnh hưởng của dòng chảy sông Hồng. Theo thần phả còn được lưu giữ tại thôn Kim Quan xã Việt Hưng (Gia Lâm) vào đời vua Lê Hiến Tông làng Kim Lan ở ngoài bãi sông Hồng do bị sạt lở ảnh hưởng đến đời sống dân làng, lúc bấy giờ phò mã Lê Đạt Chiêu, tức Lâm Hoài Mã được cử trông nom việc đồn điền liền xin cho các dòng họ Đinh, Trịnh, Hoàng, Phùng đến vùng đất mới lập thành sở Kim Quan (nay là thôn Kim Quan xã Việt Hưng huyện Gia Lâm).
II. Quá trình phát hiện và kết quả nghiên cứu
1. Từ cuối năm 2000, Kim Lan được giới Khảo cổ học biết đến, qua thông báo của các cụ trong Hội người cao tuổi xã Kim Lan. Tại khu vực bãi Hàm Rồng, xã Kim Lan do quá trình biến đổi của dòng sông Hồng đã xuất lộ di tích và di vật cổ. Trước báo dẫn trên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã cử cán bộ đến xã Kim Lan tiến hành khảo sát.
Đầu năm 2003, trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học nhằm tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, để có thể nhận thức đầy đủ hơn về tính chất các di tích, di vật xuất lộ trên bờ sông Hồng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và Sở VH-TT Hà Nội đã tiến hành thám sát và khai quật khảo cổ học di tích Kim Lan (Gia Lâm-Hà Nội)'. Trong đợt này chúng tôi đã tiến hành 4 hố khai quật ở các vị trí khác nhau (Sơ đồ) (chưa kể mặt bằng khảo sát và các hố thám sát do Viện Khảo cổ học và TTGL Văn hóa ĐHQG tiến hành).
2. Kết quả khảo sát cho thấy di chỉ khảo cổ học Kim Lan phân bố trên các triền đất thoai thoải ở sát mép sông Hồng, vào mùa mưa toàn bộ di tích bị ngập nước. Nơi tập trung nhiều nhất nằm ở khu vực bến Đình thuộc xóm Chùa (xóm 2, thôn Thống Nhất, xã Kim Lan). Bến Đình ở phía Tây và cách khu vực dân cư của Kim Lan hiện nay khoảng 50m-70m.
Trong quá trình bồi tụ, vì trước đây là bên bồi, di tích cổ nằm sâu dưới lớp phù sa khoảng 5-6m và chỉ cao hơn mực nước ở sông Hồng khoảng hơn 1m. Ở khu vực này các di vật tìm thấy được rất phong phú bao gồm vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, tiền đồng và đặc biệt là gốm sứ. Đồ gốm sứ có niên đại kéo dài từ thời Đường (thế kỷ VII-X) đến thời Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Trong đó tập trung hơn cả là đồ gốm thời Trần với đủ các dòng men đặc trưng của thời kỳ này. Sau gốm thời Trần là một số loại hình gốm thời Lê. Tại khu vực gò Cạnh Triền thấy có những có những vệt gạch ngói cổ tham gia kiến trúc, đặc biệt là những cột sỏi vốn là gia cố chân tảng của kiến trúc (?) là cơ sở để có thể nhận thức quy mô công trình.
Trên bề mặt của di chỉ có nhiều rãnh dài 3,4m, rộng từ 20 đến 60cm, sâu từ 30 đến 50cm. Rãnh chứa đất sét pha cát màu đen và xám đen lẫn than củi cháy, trong chứa đồ gốm men ngọc và trắng ngả vàng có niên đại thế kỷ XIII-XIV cùng xương động vật. Các hiện vật gốm thu được ở đây đều là đồ gia dụng phản ảnh dấu tích cư trú của dân cư thời Trần vào thế kỷ XIII-XIV. Hiện vật bao gồm các loại bát đĩa, âu men ngọc, nâu, men trắng vẽ lam... Có niên đại chủ yếu từ thế kỷ XIII. XIV, XVI, XVII-XVIII bên cạnh số ít các loại hình đất nung và sành có niên đại IX-X. Ngoài ra còn có khá
nhiều các mảnh ngói mũi màu đỏ tươi dày từ 1 - 2cm, có niên đại thế kỷ XIII-XIV. 3.
Kết quả từ 4 hố khai quật là đã tìm thấy được các tầng văn hóa còn khá nguyên vẹn nằm trong lớp thứ hai và ba của hố đào:
. Tầng văn hóa thứ nhất dày 35 đến 40cm, đất pha cát màu xám đen có lẫn than củi chứa các cụm hiện vật bao gồm đồ gốm và sành có niên đại thế kỷ IX-X. Đồ gốm và sành trong lớp này có đặc điểm, chất liệu và loại hình giống đồ gốm thuộc di tích Đương Xá (Bắc Ninh). Mặc dù các dấu tích vật chất tìm được có quy mô phân bố khá khiêm tốn trong các lớp 4 và 5 của hố đào, song rất có ý nghĩa. Đó là các vết tích duy nhất phản ánh dấu ấn cư trú vào thế kỷ IX-X đã được các tài liệu thành văn và dân gian cho biết về quá trình hình thành Kim Lan nói riêng và khu vực này nói chung.
Tầng văn hóa thời Trần với đất sét pha cát màu nâu sẫm, xám đen dày từ 60 đến 120cm lẫn than tro củi. Trong tầng văn hóa đã thu được số lượng các di vật lớn gồm các loại hình: Vật liệu kiến trúc, gốm sứ, sành, tiền đồng, con kê, mảnh bao nung, đồ gốm sống men, phế phẩm (méo) và các cục nguyên liệu làm men (?), đầu rau (?) và mảnh chuôi dao bằng đồng có trang trí... Qua theo dõi diễn biến của các lớp đào có thể nhận thấy tính ổn định của lớp văn hóa này. Có thể nhận thấy đây là một tầng văn hóa còn khá nguyên vẹn với các tàn
tích vật chất phản ánh dấu tích cư trú của cư dân thời Trần. Khung niên đại của hiện vật có thể cho phép đoán định niên đại của di chỉ ở vào khoảng từ thế kỷ XIII-XIV
Ngoài ra chúng tôi đã tìm thấy các gia cố chân tảng (?) được cấu tạo bởi các phế liệu kiến trúc (ngói) và bao nung lèn chặt. Gia cố có đường kính 60cm, dày 25cm tương đối tròn. Căn cứ vào cách thức gia cố và đặc biệt là vật liệu gia cố có thể đây là một gia cố chân cột của kiến trúc có niên đại vào khoảng thời Trần. Do di tích đã bị xâm hại nặng nề nên chưa xác định và khôi phục được qui mô cũng như lý giải các vấn đề có liên quan đến phế tích kiến trúc này.
4. Đợt khai quật đã thu được sưu tập hiện vật có số lượng lớn, trong đó đáng kể hơn cả là những đồ gốm, sứ thời Trần với nhiều tiêu bản nguyên vẹn hoặc có thể phục nguyên.
- Vật liệu kiến trúc thu được chủ yếu là ngói, bên cạnh một vài mảnh gạch vỡ không rõ loại hình. Ngồi lại chỉ tập trung chủ yếu là loại ngói bản (lót) có kích thước nhỏ được tạo khá đơn điệu thể hiện rõ tính chất dân gian của kiến trúc (khác biệt nhiều so với kiến trúc tôn giáo và cung đình). Bên cạnh đó trong sưu tập có một số mảnh ngói bò, ống (?). Nhóm hiện vật này tập trung ở niên đại thế kỷ XIII-XIV vì chúng được tìm thấy chủ yếu ở trong tầm văn hóa thời Trần.
và vung (nắp đậy) có kích thước khá lớn. Nhóm hiện vật này tập trung ở niên đại IX-X và XIII-XIV. Đỗ đựng Đổ đất nung bao gồm các loại hình chủ yếu là nổi sành bao gồm các loại hình lon có núm và không có núm (hình trụ, hình bu gà, hình ống…), chậu, chum... Nhóm hiện vật này tập trung ở niên đại thế kỷ IX-X và XIII-XIV.
Đồ gốm men là sưu tập phong phú nhất với các loại hình gia dụng như bát, đĩa, âu, ống nhổ... Tập trung ở các dòng men đặc trưng thời Trần như men ngọc, men nâu, men trắng, men trắng ngoài nâu, men trắng vẽ lam, men trắng và nâu trắng hoa nâu, trong vẽ lam... Trên mỗi loại hình và các dòng men lại được thể hiện các hoa văn và phong cách trang trí cực kỳ phong phú với nhiều kiểu và các biến thể sinh động. Các hiện vật này rất có giá trị nghiên cứu, qua đó đem lại nhận thức mới về sự phát triển của gốm Việt Nam. Đồ gốm cũng tập trung ở hai khung niên đại thế kỷ IX-X và XIII-XIV bên cạnh số ít đồ gốm men trắng vẽ làm thế kỷ XVI-XVII-XVIII.
Trong sưu tập bên cạnh đồ gốm Việt Nam còn có một số ít các đồ sứ của Quảng Đông, ngoại Long Tuyển (Trung Quốc) có cùng niên đại hoặc sớm hơn chút ít, phản ánh phần nào vị trí vùng đất cũng như tính chất nao thương diễn ra vào thời kỳ này. Đây có lẽ là một đặc điểm chung của các di chỉ cư trú thời Trần đã được khảo cổ học xác định.
III. Một vài suy nghĩ thay lời kết luận
1. Qua thám sát và khai quật năm 2003, cùng với các kết quả trước đó cho thấy tài liệu khảo cổ học "khớp" với truyền thuyết dân gian và sử thành văn, làng Kim Lan được hình thành khá sớm (từ cuối thời Bắc thuộc) với ba giai đoạn chính: Thế kỷ VIII-X, thời Trần và thời Lê - Nguyễn.
Tại đây hệ thống di tích trên mặt đất còn khá phong phú và đều gắn với các nhân vật lịch sử, trong đó đáng chú ý nhất là Cao Vương (Biền). Việc tìm thấy tầng văn hóa với các tàn tích vật chất nung như đồ đất nung, đồ đựng sành, đồ gốm men có niên đại tương đương trong hố khai quật IV đã chứng minh lịch sử lưu truyền trong dân gian. Thông qua đó đã cho thấy phần nào diện mạo của vùng đất này ở buổi đầu hình thành.
- Đáng chú ý hơn là các di tích và di vật thu được qua niên đại thời Trần như các đồ gốm sứ trong tầng văn hóa, trụ sỏi gia cố chân tảng, các loại vật liệu kiến trúc... Qua đó cho thấy rõ hơn tính chất cư trú của di tích. Có thể nhận thấy đây là thời kỳ "phồn thịnh", vùng đất Kim Lan xưa với phân bố "khá quy mô". Khảo sát rộng trong khu vực (về phía Đông) các dấu tích phản ánh mật độ cư trú còn rất rõ, song do nằm liền kề và chịu ảnh hưởng của xói lở của sông Hồng nên đến nay đã mất hết dấu vết.
- Trong số hiện vật, chúng tôi đặc biệt chú ý đến di vật phản ánh tính chất sản xuất tại chỗ như: Bao nung, kê, đồ phế phẩm, cục làm men (?) đất làm gốm (?)... Đây là những thông tin cho biết rõ hơn về lịch sử vùng đất này, đặc biệt là vấn đề sản xuất gốm sứ. Từ lâu nay, qua ghi chép trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi chúng ta đã biết đến làng gốm cổ Bát Tràng như một trung tâm nổi tiếng về sản xuất gốm sứ, với các sản phẩm được chọn để cung tiến cho nhà Minh (Trung Quốc). Dựa vào đó, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng chí ít làng gốm Bát Tràng cũng phải ra đời vào thế kỷ XIV. Quan điểm này dường như đã được nhiều nhà nghiên cứu tán đồng. Tuy nhiên, tài liệu thành văn đó vẫn chưa được khảo cổ học chứng thực.
Trong tình hình tư liệu và hiểu biết về Bát Tràng như vậy rõ ràng kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại Kim Lan đã hé mở nhiều thông tin lý thú, phản ánh các dấu tích sản xuất của làng nghề thủ công trong khu vực vào thời Trần. Chúng ta đều biết Kim Lan và Bát Tràng hiện nay là hai xã liền kề, trong quá trình tồn tại nếu không phải cùng là một đơn vị hành chính thì chí ít cũng là một vùng làng nghề. Thực tế cho mãi tận năm
1958, khu vực này mới được chia tách làm hai bởi sông Bắc Hưng Hải. Kết quả nghiên cứu di tích Kim Lan đã cho phép giả thiết về không gian phân bố của một làng Bát Tràng xưa khá rộng lớn bao hàm một phần của Kim Lan - khu vực giáp với sông Hồng hiện nay. Và nếu đúng như vậy, qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở Kim Lan, chúng ta đã có thêm hiểu biết mới và xác nhận về làng Bát Tràng xưa đã được sử thành văn nhắc tới, đồng thời cũng cho thấy không gian phân bố của một làng nghề thủ công vùng ngoại ô Thăng Long - Hà Nội thời Trần.
Tuy nhiên, để có thể khẳng định các sản phẩm tìm được trong hố đào được sản xuất tại chỗ cũng như đây là trung tâm sản xuất gốm sứ cổ, công việc nghiên cứu vẫn cần được tiếp tục khi lò nung được tìm thấy. Các đợt nghiên cứu trước đó đã tìm thấy nền đất cháy, dấu tích lò nung, song đó lại không phải lò nung gốm. Theo chúng tôi rất khó có thể tìm được lò nung gốm, vì nhiều khả năng các lò nung được đặt ở gần sông, quá trình sạt lở đã làm mất đi dấu vết của chúng. Năm 1996, chúng tôi có dịp nghiên cứu và khai quật di chỉ cư trú thời Trần ở vùng Kiếp Bạc, có liên quan đến phủ đệ của Trần Hưng Đạo. Trong tầng văn hóa này có nhiều tương đồng với tầng văn hóa ở Kim Lan, từ diễn biến đến sự xuất hiện của các di vật. Qua nghiên cứu, sự hoạt động của lò nung gốm men ở nơi đây được chứng
minh chắc chắn. Có sự khác biệt duy nhất, tại đây bên cạnh các loại di vật như bao nung, con kê, phế phẩm lò nung... Chúng tôi đã tìm thấy nhiều mảnh tường lò và phế tích lò nung, do đó việc khẳng định có cơ sở chắc chắn hơn.
2. Lâu nay khảo cổ học lịch sử chú ý nhiều đến các di tích kiến trúc - tôn giáo (chùa, tháp..), gần đây tập trung hơn vào việc nghiên cứu các làng gốm (Chu Đậu, Đương Xá...) và khảo cổ học dưới nước.
Kim Lan là một di chỉ khảo cổ học quý, bởi đó là di chỉ cư chú, mà các di chỉ cư trú các thời kỳ lịch sử là khá "hiếm" đối với khảo cổ học. Những di tích như vậy sẽ có ý nghĩa đối việc nghiên cứu làng xã Việt Nam trong tiến trình lịch sử.
3. Từ lâu nay, các cụ trong Hội người cao tuổi, đặc biệt là cụ Nguyễn Việt Hồng (và các cụ Viện, Nhung..) đã có công phát hiện và sưu tầm những hiện vật có giá trị nghiên cứu và trưng bày. Chúng tôi xin đề nghị Chính quyền địa phương cần có sự quan tâm, động viên, khuyến khích hoạt động của các cụ. Trong thời gian tới tạo điều kiện thuận lợi (về không gian trưng bày) để các hiện vật sưu tầm từ lòng đất Kim Lan được bảo quản, gìn giữ và phát huy tác dụng.
TS. Ngô Thế Phong và Nguyễn Văn Đoàn (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam )
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
THÔNG TIN LIÊN QUAN :
➡ GỐM SỨ THANH HƯƠNG KIM LAN Hà Nội
➡ Kinh Đô Gốm Sứ Gia Dụng
🏠 Địa chỉ: Số 05,Ngõ 167, Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội
🏭 Địa Chỉ Xưởng:Số nhà 02,ngách 95/3,Ngõ 95,
Kim Lan,Gia Lâm,Tp Hà Nội.
☎ Hotline:Ms Huong 0962.334.368 (Zalo)
📌 Email:gomsukimlanhanoi@gmail.com
🔝 Admin Nguyễn Ngọc Phóng lên TV
⭐ Nhịp đập Việt Nam: Thổi hồn vào gốm Kim Lan (VTV4)
⭐ NẺO VỀ NGUỒN CỘI | Những mảnh gốm kể chuyện ngàn năm (VTV1)
⭐ Gốm Kim Lan | Tôi Yêu Hà Nội Official ( H1 TV)
⭐ Kim Lan - Làng gốm nghìn năm tuổi (ANTV)
⭐ Từ những miền quê: Làng gốm cổ Kim Lan (VTV4)
🔝 Admin Nguyễn Ngọc Phóng lên báo phỏng vấn nhiều lần.
⭐ Đưa gốm Kim Lan vào cuộc sống ( Báo Làng Nghề Việt )
⭐ Gốm cổ Kim Lan hứa hẹn phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại (Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô )